Đối nội Kim Thế Tông

Triều đình và bộ máy liêu thuộc

Theo lời một số triều thần, Kim Thế Tông dời đô từ Thượng Kinh đến Trung Đô. Sau đó, ông thực hiện một số cải cách trong triều. Về quan chức, ông thực hiện chính sách trọng dụng người tài, có sức khỏe, không câu nệ lai lịch của họ, dựa theo tài năng, không vì ân oán riêng tư[16]. Điển hình trong số những người phục vụ đắc lực cho Hoàn Nhan Lượng được ông trọng dụng là Chí Ninh và Dương Huyền Tố[17].

Người Bột Hải, Khiết Đan, người Hán đều được tham gia bộ máy triều chính. Trong thời gian cai trị, Kim Thế Tông đã lựa chọn được nhiều quan lại có thực tài, thanh liêm; thực hiện chế độ thưởng phạt nghiêm minh. Ông quy định các quan lại trung ương và địa phương phải thường xuyên gặp gỡ nhau để trao đổi công việc. Ai đến tuổi 60 thì ông cho nghỉ hưu[18].

Trong bộ máy cai trị, Kim Thế Tông thực thi chính sách tập trung quyền lực vào tay hoàng đế. Ông lấy thượng thư lệnh và Tả, Hữu thừa tướng và Bình chương chính sự làm quan đầu triều.

Về mặt pháp luật, Kim Thế Tông dựa theo luật cũ của nhà Đườngnhà Tống, sửa đổi để dùng tại nước Kim. Ông quan tâm sửa đổi pháp luật về hình sự, khiến nhân dân dễ hiểu về luật lệ[19].

Dân tộc

Để ngăn ngừa sự nổi dậy kế tiếp của người Khiết Đan, sau khi dẹp loạn, Kim Thế Tông thay đổi chính sách thống trị trước đây. Ông trọng dụng các binh lĩnh người Khiết Đan trong quân ngũ; áp dụng chính sách di dân, đưa người Khiết Đan ở vùng đông bắc tới các lộ Thượng Kinh, Ô Lý Thạch Lũy Bộ[20], lại chuyển người Khiết Đan ở vùng tây bắc đến các lộ Thượng Kinh, Tế châu[21] để họ chung sống với người Nữ Chânngười Hán. Các tộc chung sống hòa binh, giải quyết được vấn đề sắc tộc, tạo ra sự ổn định trong nước[22].

Kinh tế

Chiến tranh thời Hải Lăng vương Hoàn Nhan Lượng khiến nước Kim bị suy đồi kinh tế, kho tàng trống rỗng. Để khôi phục lại kinh tế trong nước, Kim Thế Tông chú trọng phát triển nông nghiệp.

Năm 1162, ông hạ chiếu xá tội cho những người dân từng theo các lực lượng khởi nghĩa chống triều đình thời Hoàn Nhan Lượng, thả hàng loạt tù binh cho về nhà tham gia sản xuất để tăng sức lao động làm nghề nông. Năm 1163, ông hạ lệnh miễn giảm thuế và lao dịch. Năm 1165, sau khi đạt được hòa ước với Nam Tống, ông chỉ duy trì 6 vạn quân lưu thú ở Giang Hoài, còn cho tất cả giải ngũ[23]. Đến năm 1173, lao dịch trong nước đã giảm đi một nửa.

Khi nhà Kim mới vào trung nguyên đã trưng dụng nhiều đất của nhân dân để làm vườn tược và nơi săn bắn, tới thời Kim Hi Tông giảm bớt, sang thời Kim Thế Tông bỏ hoàn toàn, trả lại hết đất đai cho dân. Ông còn lệnh cho các quý tộc có quá nhiều đất đai trả lại một số cho dân cày cấy[24].

Trong những năm tiếp theo bị mất mùa, ông đều ra lệnh giảm tô thuế. Ông xuống chiếu khuyến khích nghề nông, răn đe những ai phá hoại sản xuất đều bị trị tội, không ngoại trừ thân vương quý tộc. Ông cho thả nhiều nô tỳ, động viên họ làm ruộng và làm thủy lợi.

Kim Thế Tông còn cho đúc thêm tiền, thúc đẩy thương mại phát triển. Những biện pháp đó của Kim Thế Tông khiến nước Kim được phục hồi sau nhiều năm chiến tranh, phát triển khá phồn vinh[19][25].

Kim Thế Tông còn đề xướng chính sách tiết kiệm. Ông nhiều lần hạ chiếu giảm bớt cung nữ để giảm chi tiêu của hoàng cung. Mỗi bữa ăn ông cũng lệnh không nấu dư thừa, nên có lần công chúa tới thỉnh an lúc ông đang ăn nhưng ông không còn cơm để thết đãi con gái[26].

Ông luôn dạy các hoàng tử, công chúa phải hết sức tiết kiệm. Ông từ chối đề nghị của một viên quan về việc tăng thêm đồ dùng cho bản thân và cho đông cung thái tử[19][26].

Văn hóa, giáo dục

Kim Thế Tông ra sức thay đổi chính sách theo kiểu Hán trước đây mà Hoàn Nhan Lượng áp dụng. Ông khôi phục quyền lợi cho người Nữ Chân, nỗ lực đề xướng khôi phục phong tục của người Nữ Chân, cấm họ mặc quần áo người Hán, không được kết hôn với người Hán và không đổi sang họ người Hán[26].

Tuy nhiên, cùng việc tiếp thu văn hóa Hán từ nhỏ và nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa Hán, Kim Thế Tông vẫn giữ một số nét chính trong chính sách Hán hóa. Ông đề cao tư tưởng Trung Dung và đạo đức của Nho gia. Ông mở đường ngôn luận, lắng nghe ý kiến của quan lại và nhân dân[26].

Thời Kim Thế Tông, giáo dục được coi trọng. Ông tuyển chọn nhiều quan lại qua thi cử. Khi ông mới lên ngôi, có người khuyên nên bỏ chế độ khoa cử, theo chính sách của Tần Thủy Hoàng. Kim Thế Tông không nghe theo, ngược lại còn thúc đẩy giáo dục và khoa cử phát triển hơn trước. Ông chủ trương nếu ai có tài đáng làm tiến sĩ thì cho đỗ cả, không hạn chế số lượng; nhưng ông cũng rất đề cao đức độ của họ; người đỗ trạng nguyên phải về địa phương khảo đức hạnh, không có đức hạnh thì sĩ gạch tên, không trọng dụng[27].

Năm 1166, ông mở trường Thái học, năm đầu chỉ có 160 người, sang năm sau lên 400. Tại kinh đô thành lập Nữ Chân Viên Tử học, năm 1176, hệ thống các trường cấp lộ được thiết lập gọi là Nữ Chân phủ học, và năm 1189, hệ thống này được thiết lập tại cấp quận. Kim Thế Tông cho giảng dạy các môn học này (sách luận) bằng tiếng Nữ Chân năm 1164, tiếng Hán được phiên âm sang tiếng Nữ Chân để người Nữ Chân có thể học tập. Từ Kim Thế Tông trở đi, các khoa cử đều dùng Nữ Chân văn, người Hán muốn gia nhập vào giới sĩ phu cũng phải theo con đường đó. Do chính sách của Thế Tông, văn hóa của giới quý tộc Nữ Chân được nâng lên cao hơn nhiều so với trước[28].

Một công trình xây dựng nổi tiếng trong thời gian Kim Thế Tông cai trị còn tồn tại đến ngày nay là Lư Câu Kiều, gần Bắc Kinh. Cây cầu này xây dựng trong vòng 3 năm (1189 – 1192) có chiều dài 265,5 m (874 ft) và rộng 9,3m (30,5 ft), được đỡ bằng 281 cột. Tại mỗi cột có chạm khắc một con sư tử đá.